Trong quá trình sinh thường, do nhiều nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ tiến hành rạch tầng sinh môn của mẹ để hỗ trợ đưa bé ra ngoài. Nhiều người mới lần đầu làm mẹ sẽ thắc mắc rạch tầng sinh môn có đau không; và làm cách nào giảm bớt đau đớn khi tiến hành thủ thuật đó. Cùng Bibo Mart tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!
1. Rạch tầng sinh môn có đau không?
Tầng sinh môn là một vùng da nối giữa âm hộ và hậu môn của người phụ nữ. Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật làm rách vùng da này một góc lệch 45 độ xuống hậu môn trong quá trình rặn đẻ. Có đến 90% phụ nữ khi sinh thường phải rạch tầng sinh môn do:
- Tầng sinh môn giãn nở kém, mẹ rặn nhiều nhưng không thể đẩy bé ra.
- Thai nhi có kích thước đầu hoặc cơ thể quá to.
- Đẻ non, thai nhi có nguy cơ bị ngạt.
- Trường hợp mẹ có bệnh lý, không thể gắng sức nên cần đưa bé ra ngoài nhanh.
Rạch và khâu tầng sinh môn tuy gây đau đớn nhất thời; nhưng lại đảm bảo độ thẩm mỹ và an toàn hơn so với việc phần da này bị rách khi mẹ rặn đẻ lâu. Vết thương cũng sẽ nhanh lành trong khoảng 1-2 tháng sau sinh nên mẹ đừng lo lắng nhé!
>>> Tham khảo:Những điều sẽ xảy ra khi mẹ bước vào phòng sinh
2. Gợi ý 5 cách giúp mẹ giảm bớt đau đớn khi bị rạch tầng sinh môn
2.1. Luyện tập nhẹ nhàng trong thai kỳ
Càng gần ngày dự sinh, cơ thể càng nặng nề sẽ khiến mẹ không muốn động đậy. Chưa kể suy nghĩ vận động nhiều sẽ làm hại con khiến mẹ không dám tập thể dục. Tuy nhiên, việc tập luyện thường xuyên trong thai kỳ với những bài tập phù hợp sẽ khiến cơ thể mẹ dẻo dai, khỏe mạnh; sẵn sàng hơn cho công cuộc vượt cạn sắp tới.
Khi mới bắt đầu mang thai, mẹ đã có thể tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Lượng máu lưu thông thuận lợi giúp các cơ, mô được cải thiện mức độ đàn hồi. Điều này rất tốt cho mẹ khi sinh em bé, giảm thiểu đau đớn khi phải rặn sinh. Đồng thời việc tập luyện còn giúp mẹ cảm thấy tích cực hơn, cải thiện vấn đề căng thẳng trước kỳ sinh nở.
2.2. Tập bài tập kegel trước khi sinh
Rèn luyện cơ sàn chậu bằng bài tập kegel cũng là một cách hay. Ngay từ khi mang thai, mẹ đã có thể tập kegel để rèn luyện cơ thể và cơ sàn chậu. Mẹ duy trì tập đều đặn hàng ngày sẽ làm giảm thiểu nguy cơ bị rạch tầng sinh môn. Sau sinh, mẹ cũng có thể duy trì bài tập này để tử cung nhanh co lại và giúp “cô bé” săn chắc.
2.3. Ăn uống đủ chất trước và sau sinh
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mẹ lưu ý rằng, một thực đơn dinh dưỡng hợp lý là sự kết hợp đầy đủ của thịt, rau, củ quả, cá, sữa bầu,… Việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp mẹ có nguồn năng lượng đảm bảo cho quá trình sinh nở mất sức. Mẹ sẽ có nhiều sức để rặn đẻ hơn; đồng thời vết rạch tầng sinh môn cũng mau lành hơn.
>>> Xem thêm: Những món ăn tốt cho bà bầu
2.4. Rặn đẻ đúng cách và đúng lúc
Việc mẹ rặn đẻ sẽ đẩy nhanh quá trình bé ra ngoài. Để tiết kiệm sức lực khi sinh, mẹ cần nghe theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Biết cách và biết rặn đẻ đúng lúc sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn và mẹ tiết kiệm sức hơn.
2.5. Massage tầng sinh môn
Việc massage đáy chậu sẽ giúp mẹ giảm thiểu nguy cơ bị rách tầng sinh môn khi đẻ. Mẹ có thể dùng dầu dừa hoặc dầu oliu để massage. Tuy nhiên, để có được phương pháp massage đúng chuẩn và hiệu quả nhất, mẹ nên tham khảo sự tư vấn của bác sỹ nhé.
Những cách trên có thể hỗ trợ tăng độ đàn hồi cho tầng sinh môn hoặc giảm bớt đau đớn cho mẹ khi vùng da này bị rạch. Mẹ không nên quá căng thẳng và lo sợ trước những cơn đau trong quá trình sinh nở. Những thủ thuật này sẽ chỉ giúp bạn nhanh được gặp con yêu hơn thôi!
Website tổng hợp từ nguồn internet nên bạn vui lòng liên hệ tác giả của bài viết. Chúng tôi tuyên bố miễn trách nhiệm cộng đồng về nội dung chia sẽ!
Nguồn: Biomart