Quá trình mang thai có thể đem tới niềm hạnh phúc, nhưng cũng sẽ khiến nhiều bà mẹ phải đau đầu. Bên cạnh áp lực nuôi dưỡng con cái, mẹ bỉm còn đau đầu vì thân hình quá cỡ của mình. Giảm cân sau sinh là điều nên làm; nhưng nếu giảm cân sai cách, mẹ sẽ phải chịu nhiều hệ lụy khó lường. Bibo Care xin chỉ ra 10 lỗi sai mà mẹ thường gặp khi giảm cân sau sinh trong bài viết sau!
>>> Xem thêm:Bí quyết lấy lại vóc dáng sau sinh
1. Nghĩ sinh con xong sẽ tự giảm vài cân
Mẹ thường nghĩ rằng khi lấy bé ra khỏi bụng, cân nặng của mình sẽ tụt giảm rất nhiều. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, sau khi sinh cơ thể vẫn còn giữ nhiều nước; hormone có sự thay đổi lớn; vết thương vẫn còn mới và cơ thể còn đang học cách thích nghi. Với nhiều yếu tố đang xảy ra cùng một lúc như thế nên trọng lượng cơ thể dường như không dao động. Thậm chí vòng 2 của mẹ còn trở nên sồ sề, nhăn nhúm hơn.
2. Bỏ qua ảnh hưởng của nội tiết tố
Hormones có sự ảnh hưởng lớn và điều khiển quá trình tăng giảm cân của cơ thể. Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ chúng ta vừa diễn ra một cơn chấn động lớn. Những thay đổi ấy còn lớn hơn cả thời kì dậy thì và giai đoạn mãn kinh sau này. Các loại hormone sẽ liên tục biến đổi trước, trong và sau quá trình sinh nở. Phải mất khá lâu để chỉ số của chúng trở về bình thường.
3. Nhịn ăn để giảm cân
Nhịn ăn có thể giúp bạn giảm cân nhanh chóng nhưng hiệu quả lâu dài thì không có. Cơ thể của chúng ta luôn có luật cân bằng: khi giam đói bản thân quá lâu thì ngay sau đó bạn sẽ ăn bù. Ăn bù thì kết quả còn tai hại hơn rất nhiều.Nó sẽ khiến cơ thể đột nhiên quá tải năng lượng, gây ra bội thực và không tốt cho dạ dày, đường ruột.
Vả lại thời gian này rất nhiều bà mẹ còn đang cho con bú. Nhịn ăn sẽ làm thiếu đi nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng. Mẹ sẽ dễ mệt lả, mất sức, còn con lại không có đủ sữa để bú. Cả 2 mẹ con sẽ xanh xao, còi cọc, ảnh hưởng tới sức khỏe về sau.
4. Vội từ bỏ khi thấy cân nặng không thay đổi
Trong giảm cân, không có con đường tắt. Giảm cân một cách khoa học sẽ giúp mẹ đạt được hiệu quả lâu dài nhất. Quá trình giảm cân cần nhiều thời gian bởi vì cơ thể chúng ta cần phải làm quen với những thói quen ăn uống mới, thói quen luyện tập mới và cả nhiệm vụ mới – chăm sóc con. Do đó, đừng quá nôn nóng mong chờ kết quả như ý chỉ trong thời gian ngắn.
5. Không có kế hoạch cụ thể để giảm cân
Ăn uống khoa học không chỉ giúp giảm cân mà còn tránh những bệnh về tim mạch, đường ruột sau này. Chế độ ăn uống khoa học cũng sẽ tốt cho da, tóc, và làm chậm quá trình lão hoá. Bởi vậy, bạn cần chú ý xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống khoa học:
– NHIỀU rau quả, NHIỀU trái cây: 40% thực phẩm của bạn hàng ngày nên từ đây
– NHIỀU đạm: 40% (chủ yếu nhiều từ cá, trứng, đậu hủ, protein bar/shake, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, thịt …)
– ÍT tinh bột: 15%
– 5% những sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, sữa tươi ít chất béo…)
– KHÔNG đồ chiên rán, KHÔNG nội tạng hay mỡ động vật: 0%
Những món ăn nhiều rau như lẩu, gỏi, đồ xào, canh rau, gỏi cuốn…nên có mặt thường xuyên hơn trong những bữa ăn chính của các bạn.
6. Tập thể dục quá sớm sau khi sinh
– Khi nào sẽ là thời gian tốt nhất để đi tập trở lại? Có người là 3 tuần; có người là 3 tháng, 6 tháng hoặc hơn. Không có một cột mốc thời gian nào là tốt nhất nhưng quan trọng hơn cả là bạn phải biết lắng nghe cơ thể của mình. Bạn sẽ biết khi nào cơ thể bạn đã sẵn sàng. Đó là lúc các vết thương đã lành hẳn, tinh thần sống vui, sống khỏe luôn ở cao độ.
– Trở lại phòng tập quá sớm có thể gây chấn thương, trễ quá thì bạn sẽ nản chí. Tuy nhiên, với phương pháp ăn uống khoa học ngay từ khi mang thai và cho con bú, bạn đang chuẩn bị những gì tốt nhất cho cơ thể của mình để giảm cân sau này. Cố gắng quá sức dễ gây suy sụp về mặt tinh thần.
7. Tập thể dục quá lâu, quá sức
Một bữa tập thể dục hiệu quả thật ra không cần mất quá nhiều thời gian. Bạn chỉ cần 45-60 phút mỗi lần.
3 ngày trong tuần, bạn tập:
– 15-20 phút cardio: kết hợp vài động tác rồi thay đổi để tập mỗi ngày và không bị nhàm chán như nhảy zumba, chạy bộ, đạp xe, bơi, nhảy dây, nhảy bậc thang… Nói chung là những động tác làm tim bạn đập nhanh, gây đổ mồ hôi.
– 15-20 phút tập những bài nhằm tăng độ dẻo dai cho cơ thể như đẩy tạ tay, tạ chân, bưng tạ chạy, đẩy tạ trên sàn, bưng tạ xuống tấn….
– 15-20 phút tập bụng: chọn một vài bài tập bụng khác nhau, không gây đau lưng rồi tập để cơ thể không có cảm giác nhàm chán.
2 ngày trong tuần:
– 30-45 phút tập yoga hay body flow: những lớp này như những giờ massage cho các cơ bắp của bạn vậy. Các bài tập sẽ giúp bạn học cách hít thở, cân bằng nhịp sống và các cơ không bị làm việc quá tải.
– 15 phút tập bụng: Nếu muốn vòng bụng đẹp thì bạn chỉ có một cách là cố gắng tập mỗi ngày, không thì ít nhất 5 ngày/tuần. Một ít thời gian mỗi ngày sẽ cho bạn kết quả tuy hơi chậm nhưng lâu dài. Và đó là thành quả của chính bạn.
8. Tập luyện không kết hợp thư giãn
– Khi cơ thể con người căng thẳng với những lo toan, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol. Hormone này có ảnh hưởng lớn đến sự tiêu hao mỡ, đặc biệt ở vùng bụng. Bên cạnh đó, stress còn làm chúng ta ăn nhiều hơn lượng calo mà cơ thể thực sự cần.
– Khi các bà mẹ học được cách để có được 10-15 phút trong ngày cho riêng mình, không suy nghĩ, lo lắng gì cả thì bạn đang luyện cho cơ thể mình cách hít thở, cách cân bằng trở lại và cortisol do đó sẽ không tiết ra.
9. Không chịu nhận sự giúp đỡ của gia đình
– Là một bà mẹ mới, bạn sẽ nhận được lời khuyên, sự chỉ dẫn và giúp đỡ của rất nhiều người. Tuy nhiên, nhiều lời khuyên quá sẽ khiến các bà mẹ trẻ trở nên rối. Trước khi có con, bạn nên dành một ít thời gian chuẩn bị mỗi ngày, lắng nghe từ nhiều người và chọn lọc những gì bạn cho là phù hợp và khoa học cho bản thân mình nhất.
– Biết mình muốn gì, cần gì để khi bạn nhận được nhiều sự giúp đỡ, bạn sẽ biết tận dụng một cách hữu hiệu nhất. Ví dụ các bà mẹ trẻ thường hay thiếu ngủ. Thế nên khi có chồng, có gia đình chơi với con thì bạn nên tranh thủ vào phòng đóng cửa để ngủ ít nhất 1 tiếng để lấy lại sức. Nếu cần, bạn có thể hút sữa để sẵn và người nhà có thể cho con bú khi vắng bạn.
Bạn không cần ngồi lại để tiếp chuyện hay chơi với con, bạn có cả một đời để làm việc đó. Thế nên, từng ngày từng ngày một, bạn nên học cách chăm sóc bản thân mình. Mẹ khỏe thì con mới khỏe. Mẹ hạnh phúc thì con sẽ được phát triển lành mạnh. Mẹ thiếu ngủ, mẹ cáu gắt thì sẽ chẳng có lợi cho ai cả.
10. Không làm gì cả, cứ bảo “đợi con lớn”
– Các con sẽ luôn cần ba mẹ. Khi còn bé, con cần sự giúp đỡ từ những điều nhỏ nhất. Khi lớn hơn thì những sự việc cũng lớn hơn. Có nên chăng chúng ta ngưng sống cuộc đời của mình để dồn hết tất cả cho con? Nếu chọn cách đó thì đừng tìm cách giảm cân vì sẽ chẳng hiệu quả đâu.
– Chúng ta phải học cách đi ngược lại một chút so với những gì chúng ta đã từng biết trước đây. Một người phụ nữ hạnh phúc sẽ có sức ảnh hưởng tuyệt vời đến chồng, đến các con của mình. Họ sẽ biết ơn bạn lắm đấy. Và còn có cách nào nhanh hơn để dư tràn năng lượng mà chăm sóc người mình yêu thương bằng cách được sống trong một cơ thể khỏe mạnh?
Theo Eva.vn
Website tổng hợp từ nguồn internet nên bạn vui lòng liên hệ tác giả của bài viết. Chúng tôi tuyên bố miễn trách nhiệm cộng đồng về nội dung chia sẽ!